Tư vấn về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về chủ thể tham gia giao dịch

Dear Luat Minh Gia,Tôi có vấn đề cần tư vấn, nếu được thì tôi xin nhờ Luật Minh Gia tư vấn. Vợ chồng tôi có căn hộ chung cư ở khu đô thị A, khi tôi đang ở nước ngoài, tôi có làm HĐ ủy quyền cho vợ tôi thông qua DSQ (tháng 12/2015) để vợ tôi có thể giao dịch với Ngân hàng, đại diện cho tôi trong tất cả các tình huống mua bán, trao tặng ký gửi... Chúng tôi dự định bán đi để mua căn hộ bên khu đô thị B, khi tôi về nước tôi thấy dấu hiệu không trung thực của vợ tôi về tài sản đúng tên chung của 2 vợ chồng nên tôi đã tư vấn với Luật sư và bay sang DSQ đó để làm Hủy HĐ ủy quyền cho vợ tôi (tháng 3/2016).Sau khi làm Hủy HĐ ủy quyền cho vợ tôi, tôi có thông báo cho vợ tôi và Ngân hàng biết việc này, tuy nhiên vợ tôi vẫn cố tình dùng HĐ ủy quyền để giao dịch với Ngân hàng, lấy giấy tờ nhà ra để bán cho người khác (tháng 5/2016).Vậy xin hỏi, tôi muốn Kiện Vợ tôi về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hình sự chứ ko kiện dân sự) đồng thời khởi kiện Ngân hàng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (tôi bị mất nhà), như vậy hợp lý hay ko? và khả năng thắng kiện của tôi sẽ như thế nào? Quy định pháp luật ra sao mong được tư vấn?Trân trọng cảm ơn.

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của anh Công ty xin được tư vấn như sau:

Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung:


"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.


2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:


a) Bất động sản;


b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;


c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình".

Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng:

"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình. 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu".

Điều 589 Bộ luật dân sự 2005 quy định về chấm dứt hợp đồng uỷ quyền:

"Hợp đồng uỷ quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng uỷ quyền hết hạn;


2. Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;


3. Bên uỷ quyền, bên được uỷ quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này;


4. Bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết".

Anh trình bày, anh đã tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Chiểu theo quy định tại Luật HN và GĐ 2014; Nghị định 126/2014/ NĐ - CP, trường hợp vợ của anh tự quyết định mua bán, chuyển nhượng tài sản chung hợp nhất của vợ chồng thì anh có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Điều 137 BLDS 2005 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:


"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.


2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường".

Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập nên bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm bàn giao toàn bộ số tài sản đã nhận từ vợ anh lại cho hai vợ chồng. Vậy, như phân tích trên thì có cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của anh.

Ngoài ra, anh muốn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người vợ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Ngân hàng. Tuy nhiên, để định tội danh thì cần thu thập, xác minh các chứng cứ, tài liệu của vụ án.

Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm..."

Để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không cần đảm bảo hai hành vi khách quan và bắt buộc (cần và đủ): hành vi dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Gian dối là đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối, người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 285 BLHS sửa đổi, bổ sung 2009 tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặ biệt nghiêm trọng:

 

"1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

Các dấu hiệu để cấu thành tội phạm gồm:

Chủ thể của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.

Hành vi khách quan người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ảnh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau nó tuỳ thuộc vào nhiệm vụ được giao và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả. Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây ra hậu quả, nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì không thể gây ra hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này dù hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm đó là hậu quả nghiêm trọng. Nếu hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.  Hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm tội này với  một số tội phạm khác có hành vi thiếu trách nhiệm là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào