Tai nạn giao thông gây thiệt hại về sức khỏe

Ngày 2/3/2016 chồng tôi có điều khiển chiếc xe tải 8 tấn đang vượt 1 xe công-te-nơ thì có 1 người đi xe mô tô đi ngược chiều bị mất lái đâm vào hàng bánh phía sau xe của chồng tôi dẫn đến bị thương nặng: gẫy chân và bị cắt 1 cánh tay, hiện nay bị nạn vẫn phải nằm viện nhưng 2 bên gia đình đã giải quyết bằng tình cảm, gia đình tôi đã bồi thường theo yêu cầu của gia đình bị nạn, họ đã làm đơn từ chối giám định thương tật, đơn bãi nại. Trong vụ va chạm này thì khi chồng tôi vượt đường cũng vi phạm lấn đường còn người đi xe máy thì mất lái đâm sang. Bên chuyên môn kết luận đây là vụ tai nạn tổng hợp. Đến nay cơ quan công an vẫn chưa giải quyết vụ việc cho chồng tôi, họ nói khi nào bị nạn ra viện để giám định thương tật sau mới giải quyết. Vậy quí Luật MG cho tôi hỏi chồng tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ? Và bị phạt hành chính là bao nhiêu tiền ? Sau khi sự việc xảy ra trong thời gian bao lâu thì vụ việc được giải quyết? Rất mong được quí Luật tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn.
​ Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

1. Về trách nhiệm hình sự 

Điều 202Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Khoản 1Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC có hướng dẫn về xác định hành vi vi phạm để chịu trách nhiệm theo Điều 202 như sau:

“1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản. 

Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự. 

...”

Đồng thời, Khoản 4.1 Điều 4Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP có hướng dẫn về xác định mức độ nghiêm trọng trong thiệt hại về sức khỏe theo điều 202 như sau:

“Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: 

a. Làm chết một người; 

b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; 

c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; 

d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; 

đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; 

e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.”

Như vậy, nếu chồng chị có hành vi vi phạm luật giao thông, hành vi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại về sức khỏe của người bị nạn và người bị nạn bị thương tật từ 31% trở lên thì chồng chị phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 ở trên. Việc các bên đã thỏa thuận bồi thường và gia đình bị nạn có đơn bãi nại được tính là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chồng chị.

2. Về mức xử phạt hành chính

Chồng chị bị xử phạt hành chính với lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ, mức xử phạt tùy theo tổng hợp lỗi thực tế. Chẳng hạn nếu chồng chị đi sai làn đường quy định, Điểm c Khoản 4 Điều 5Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định:

“4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:



c) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định”.

3. Thời gian giải quyết 

Về nguyên tắc thì vụ việc sẽ được giải quyết ngay khi vừa xảy ra. Về thời hạn tối đa để giải quyết, Điều 23 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định:

“1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

d)  Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.”

Khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về phân loại tội phạm như sau: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Chị có thể đối chiếu các quy định trên để áp dụng vào trường hợp của chồng mình.
Trân trọng!
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào