Như thế nào được xem là tai nạn lao động?

Trong khi đang trực ca đêm ở bệnh viện thì chị tôi có đi ra ngoài vệ sinh. Vừa ra khởi nhà vệ sinh chị tôi có nghe thông báo về một ca cấp cứu cần chị ấy có mặt ngay lập tức. Do vội vàng và sàn nhà trơn nên chị ấy bị trượt ngã, đầu đập vào thành ghế gần đó nên bị chấn thương sọ não. Vậy xin hỏi luật sư, trường hợp tai nạn của chị tôi có phải là tai nạn lao động hay không? Có được hưởng chế độ không?

Căn cứ Bộ Luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) và nghị định 45/2013/NĐ-CP.

Theo quy định tại Điều 142 BLLĐ thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Cụ thể, tại Điều 12 nghị định 45/2013/NĐ-CPquy định cụ thể về các trường hợp được xem là tai nạn lao động như sau:

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.”

Chiếu theo các quy định pháp luật nêu trên thì đối với trường hợp tai nạn của chị bạn được xem là tai nạn lao động nên được hưởng chế độ tai nạn lao động. Theo đó, tại quy định của Điều 145 BLLĐ chị của bạn nếu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Còn nếu chị bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bệnh viện nơi chị bạn làm việc chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì chị bạn được bệnh viện đó trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào