Ai được đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đó là tài sản chung?
Căn cứ Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2014 (LĐĐ), Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP.
Vì sau 10 năm, anh chị em bạn không có tranh chấp về quyền thừa kế nên nếu có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế và đều thừa nhận di sản do ba mẹ để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế theo quy định tại điểm a.3 Điều 2.4 tiểu mục 2 mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP.
Từ đó, khi xác định đây là tài sản chung của anh chị em bạn thì việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 95 LĐĐ
“4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;”
Theo nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai, trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, nhà ở hay tài sản khác gắn liền với đất.
Thư Viện Pháp Luật