Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động "cận hưu"
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 và Khoản 2 Điều 38 của Bộ luật Lao động thì thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định từ ít nhất 3 ngày đến ít nhất 45 ngày tùy theo loại hợp đồng lao động và gắn với từng trường hợp cụ thể.
Quy định nêu trên phù hợp với thực tế, tạo sự chủ động cho người lao động trong sắp xếp công việc, tìm công việc mới; cho người sử dụng lao động trong quản lý, sử dụng lao động và tuyển dụng lao động thay thế; kế thừa các quy định của Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002); phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế (Điều 11 Công ước số 158 về chấm dứt việc làm) và có tham khảo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore quy định thời hạn báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn).
Tuy nhiên trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu xin chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn nhất là đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngày 31/12/2014, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình trạng người lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thôi việc tại văn bản số 540/BC-CP, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn của người lao động “cận hưu” theo hướng người lao động này phải có “lý do chính đáng” hoặc được sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Thư Viện Pháp Luật