Hành vi giăng bẫy điện chống trộm dẫn đến chết người thì bị xử tội gì?

Chồng tôi vừa bị bắt vì tội giết người nhưng thực tình thì chồng tôi không có. Chỉ vì bị mất trộm gà nhiều lần mà không bắt quả tang được nên chồng tôi giăng dây điện quanh chuồng gà để phòng. Khi chăng dây điện, chồng tôi đã đi khắp xóm nói mọi người có đi hẻm sau nhà thì cẩn thận, chồng tôi cũng nói chỉ lên điện từ 9 giờ tối đổ lại đến 5 giờ sáng hôm sau. Không may vài hôm sau có người lẻn vào ăn trộm thì bị điện giật chết. Xin hỏi, chồng tôi bị xử tội giết người như vậy có chính xác không? Làm sao để chồng tôi được án phạt nhẹ nhất?

Căn cứ Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS), công văn số 81/2002 ngày 10/6/2002 về việc giải đáp các nghiệp vụ.

Theo đó, hành vi giăng giây điện quanh chuồng gà để chống trộm của chồng bạn là hành vi sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người. Nên theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 12 mục I công văn số 81/2002 thì hành vi đó phải bị truy tố về tội giết người.

Tuy chồng bạn không trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân nhưng việc giăng điện như vậy rõ ràng chồng bạn biết hành vi đó có khả năng gây chết người nhưng đã cố tình để mặc hậu quả xảy ra. Đây được xem là lỗi cố ý gián tiếp.

Đối chiếu với quy định tại Điều 93 BLHS thì:

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

…”

Trong trường hợp của chồng bạn, nếu không có tình tiết nào thuộc khoản 1 Điều 93 thì sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 93. Từ đó, nếu chồng bạn càng có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì sẽ được xem xét để hưởng mức hình phạt nhẹ nhất trong khung hình phạt từ 7 – 15 năm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm sở hữu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào