Chia tài sản chung và quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn
Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn, sau khi đã tiến hành hòa giải tại Tòa án mà không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, nhưng có tính đến công sức đóng góp, tạo lập của mỗi bên để chia.
Tài sản chung được xác định bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung của vợ chồng; tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng đã thỏa thuận sáp nhập vào tài sản chung thì được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Như vậy, tài sản chung của vợ chồng bạn được xác định gồm giá trị quyền sử dụng đất do cha mẹ chồng chuyển nhượng lại; 4 chỉ vàng được tặng cho chung khi kết hôn.
Đối với tài sản là 3 chiếc xe máy, nếu được mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, khi có tranh chấp mà không có căn cứ chứng minh tài sản này thuộc sở hữu riêng của ai thì được coi là thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Về chăm sóc, nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn:
Sau khi ly hôn, cả vợ và chồng vẫn có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Người trực tiếp nuôi con sẽ do vợ, chồng thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác.
Trường hợp của bạn, nếu vợ, chồng bạn không có thỏa thuận khác, con 4 tháng tuổi của hai bạn sẽ do bạn trực tiếp nuôi. Đối với con 38 tháng tuổi, nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng do hai bạn thỏa thuận, căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật