Trả lời về chính sách tiền lương đối với nhà giáo
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.
Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ, thì từ ngày 1/5/2011, thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; và phụ cấp thâm niên được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, sẽ có sự chênh lệch về mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm tháng 5/2011.
Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, ngày 30/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, theo đó các nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp bằng tiền được xác định dựa trên mức lương hưu đang hưởng và tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục công lập đã được tính hưởng chế độ hưu trí.
Thư Viện Pháp Luật