Đã từng công tác tại vùng ĐBKK, được ưu tiên tuyển dụng
Chính sách ưu tiên khi tuyển dụng công chức, viên chức
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và quy định hiện hành của Chính phủ về tuyển dụng công chức, viên chức đã có chính sách ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, có thời gian công tác tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn, cụ thể như sau:
- Khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức quy định, người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định người dự tuyển vào công chức là đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được cộng 10 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.
- Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định người dự tuyển vào viên chức là đội viên thanh niên xung phong; đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được xem xét theo thứ tự ưu tiên để xác định trúng tuyển nếu có tổng số điểm các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành bằng với người khác ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng.
Chế độ với đội viên Dự án 600
Ngày 16/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 170/QĐ-TTg về Phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo. Theo đó, chính sách áp dụng đối với đội viện Dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ như được quy định tại điểm b khoản 2 Mục IV.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội viên Dự án có nhu cầu tiếp tục làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng theo một trong các phương án sau:
- Được cấp uỷ và chính quyền xã tiếp tục quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của xã hoặc được UBND huyện bố trí làm việc tại các đơn vị thuộc huyện. Trong các trường hợp này được UBND huyện nơi tình nguyện đến công tác xem xét chuyển thành công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Cán bộ, công chức nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 25 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
- Trường hợp UBND huyện nơi tình nguyện đến công tác không bố trí được việc làm cho các đội viên Dự án thì báo cáo UBND tỉnh có huyện nghèo xem xét chuyển thành công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
- Trường hợp địa phương nơi tình nguyện đến công tác không bố trí được việc làm cho đội viên Dự án hoặc đội viên Dự án không có nguyện vọng làm việc tại địa phương thì UBND tỉnh xác nhận quá trình công tác của đội viên Dự án ở các xã thuộc huyện nghèo để làm căn cứ đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác ưu tiên xét tuyển công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Chính sách với đội viên Đề án 500
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1758/QĐ-TTgphê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn, miền núi); trong đó, tại điểm c khoản 5 Điều 1 quy định về chính sách áp dụng đối với Đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể:
- Được hỗ trợ một lần bằng một phần hai tiền lương hàng tháng hiện hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Đội viên tại xã trong thời gian 5 năm (đủ 60 tháng), căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện thì Đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật.
- Được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo sau đại học.
- Được chính quyền địa phương ưu tiên sắp xếp, ổn định công việc, điều kiện về chỗ ở và các khoản hỗ trợ khác, được ưu tiên cấp hoặc thuê đất làm nhà để ổn định cuộc sống gia đình.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn, miền núi nêu trên.
Mục tiêu của các dự án, đề án này là thu hút trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học phù hợp với nhu cầu sử dụng để bố trí làm các chức danh công chức xã hoặc làm Phó Chủ tịch UBND xã trước mắt nhằm tăng cường nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản giúp cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Đồng thời, thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Thư Viện Pháp Luật