Xác nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, cần giấy tờ gì?

Ông nội của ông Thanh Sơn (Thừa Thiên - Huế) tham gia cách mạng từ tháng 7/1945, kết nạp Đảng tháng 5/1947, là Trưởng Phòng Thông tin huyện Phong Điền và TP. Huế. Năm 1954, tập kết ra Bắc và công tác tại Bộ Thủy lợi, Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1964 ông nội của ông Sơn làm Thành ủy viên Huế, tháng 5/1972, bị địch bắt, giam tại Côn Đảo. Tháng 5/1975, được giải thoát ra Bắc chữa bệnh rồi về Huế tiếp tục là Thành ủy viên, chết tháng 10/1977, được thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất năm 2002. Ông Sơn hỏi, trường hợp của ông nội ông có được hưởng các chế độ như cán bộ tiền khởi nghĩa, chế độ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không?

Tại Điều 10 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có quy định: “Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đứng đầu một tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc thoát ly hoạt động cách mạng kể từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945”.

Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng từ Điều 11 đến Điều 16 quy định chi tiết về điều kiện xác nhận, căn cứ xác nhận và giải quyết chế độ với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945. 

Theo đó, để xác nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì căn cứ một trong các giấy tờ sau: 

- Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1969 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý;
 
- Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tư số 297/TT-TW ngày 20/4/1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975; 

- Hồ sơ của người đã được khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập; 

- Hồ sơ liệt sĩ; 

- Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; 

- Hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên.

Ông Sơn cần đối chiếu hồ sơ của ông nội ông với các quy định tại văn bản nêu trên để xem có đủ điều kiện giải quyết chế độ ưu đãi hay không, đồng thời đề nghị ông liên hệ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để được xem xét, trả lời theo thẩm quyền.

Tại Điểm 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước và Thông tư liên tịch số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg quy định đối tượng áp dụng gồm: “Quân nhân, công an nhân dân, công nhân, viên chức trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các chiến trường B, C, K về gia đình từ trước ngày 31/12/1976 trở về trước”. 

Tuy nhiên, Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg không áp dụng đối với các trường hợp đã được hưởng một trong các chế độ phục viên, xuất ngũ (bao gồm cả trợ cấp xuất ngũ theo Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), chế độ thôi việc, chế độ bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng hoặc đối tượng đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ; bố nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi.

Đề nghị ông Sơn nghiên cứu các văn bản nêu trên hoặc liên hệ Cục Chính sách- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân- Bộ Quốc phòng (cơ quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg) để được trả lời cụ thể.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cán bộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào