Bà nội của ông Nguyễn Duy Minh (Hải Dương) có 5 người con, trong đó có chú của ông Minh là liệt sĩ, hy sinh năm 1971, không có vợ con. Khi ông bà của ông Minh chết có giao cho bố ông thờ cúng người chú và bàn giao Bằng Tổ quốc ghi công cùng tất cả các giấy tờ liên quan đến cho bố ông Minh. Bố ông Minh đã thờ cúng chú ông hơn 30 năm nay, được nhận đầy đủ trợ cấp thờ cúng. Cuối năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quy định mới về thống nhất người thờ cúng, UBND xã có mời gia đình ông Minh làm việc để thống nhất người thờ cúng. Tuy nhiên, người anh cả của bố ông Minh không đồng ý để bố ông Minh là người thờ cùng liệt sĩ và không ký vào biên bản. Vì thế, UBND xã đã giữ lại tất cả các chính sách dành cho liệt sĩ và thân nhân. Bố ông Minh có hỏi thì được trả lời do gia đình không thống nhất, khi nào có đủ chữ ký thì UBND xã giải quyết. Vậy, bố ông Minh phải làm gì để tiếp tục được thờ cúng liệt sĩ và nhận trợ cấp. UBND xã giải quyết như vậy có đúng không?
Theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, người thờ cúng liệt sĩ là người con hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; trường hợp không có con hoặc không còn con thì là người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trường hợp liệt sĩ không có con hoặc không còn con thì một người đại diện được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ thống nhất uỷ quyền bằng biên bản sẽ là người thờ cúng liệt sĩ hợp pháp và được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.
Trường hợp gia đình không thống nhất được người đại diện thì chưa có cơ sở giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ.