Hiệu lực của lệnh truy nã?
Theo quy định tại mục 13 phần II, Công văn số 81/2002 ngày 10 tháng 6 năm 2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ thì hiệu lực của quyết định (lệnh) truy nã như sau: “Quyết định( lệnh) truy nã chỉ hết hiệu lực khi người bị truy nã đã chết hoặc bị bắt giữ theo quy định (lệnh) truy nã hoặc trong trường hợp có quyết định đình nã của cơ quan điều tra”. Bạn cần tìm hiểu xem đối tượng nói trên đã có quyết định “đình nã” của cơ quan điều tra chưa? Nếu không có thì người này vẫn đang thuộc đối tượng bị truy nã.
Đối với tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất là tử hình, theo quy định tại khoản 2, điều 23, Bộ luật Hình sự 1999, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này là 20 năm. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định, khi hết thời hạn đó, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đối tượng này đã có quyết định “đình nã”, và kể từ khi gây án đến bây giờ, đã quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (thời gian truy nã không được tính vào thời hiệu truy cứu TNHS) thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Trường hợp khác có thể xảy ra đó là do anh ta vẫn đang bị truy nã nhưng đã bỏ trốn và cơ quan công an hoàn toàn không biết là anh ta đã quay trở lại địa phương. Trong trường hợp này, bạn có thể mật báo với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tránh trường hợp anh này thực hiện thêm hành vi phạm tội như nhiều đối tượng trốn nã khác.
Thư Viện Pháp Luật