Có được yêu cầu thi hành án sau khi đã rút đơn?
Đình chỉ thi hành án là việc cơ quan thi hành án ngừng hẳn việc thi hành bản án, quyết định dân sự khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật, đồng thời là căn cứ để cơ quan thi hành án ra quyết định kết thúc thi hành án. Đặc điểm của đình chỉ thi hành án là việc chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự. Việc thi hành án sau khi bị đình chỉ sẽ không được đưa ra thi hành theo trình tự của pháp luật về thi hành án dân sự. Các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo nội dung trong bản án, kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định đình chỉ thi hành án khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật.
Một trong những trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án được quy định tại khoản 22 điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 là: “Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”;
Vì vậy, trường hợp của ông, cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để thụ lý lại đơn yêu cầu thi hành án.
Thư Viện Pháp Luật