Theo phản ánh của ông Nguyễn Đức Hoàng (Hà Nội), nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT của vợ ông là Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an. Vợ ông mang thai được 36 tuần, khi làm giấy chuyển viện để chuyển BHYT sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì được cán bộ tại Bệnh viện Y học cổ truyền trả lời như sau:
Chỉ cấp giấy chuyển viện cho người đã có thai 39 tuần (nếu không đủ 39 tuần thì ghi vào trong nội dung giấy chuyển viện là “tự nguyện chuyển viện theo yêu cầu của bệnh nhân” và giấy chuyển viện có nội dung này không được BHYT hỗ trợ thanh toán viện phí. Đồng thời, chỉ cấp giấy chuyển viện 1 lần. Cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an yêu cầu người làm giấy chuyển viện ký vào cam kết sẽ không yêu cầu làm giấy chuyển viện lần thứ 2 trước khi cấp giấy chuyển viện.
Vậy, Bệnh viện Y học cổ truyền đưa ra các quy định như trên có phù hợp với quy định của pháp luật không? Nếu không ông Hoàng phải làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT?
Theo các quy định hiện hành về khám chữa bệnh BHYT, không có quy định nào hạn chế số lần chuyển viện, cũng như thời điểm thực hiện việc chuyển viện đối với trường hợp phụ nữ có thai.
Việc chuyển tuyến trong khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh BHYT nói riêng là do yêu cầu chuyên môn (mức độ bệnh tật, phạm vi kỹ thuật) và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người bệnh (trừ trường hợp người bệnh có yêu cầu riêng).
Liên quan đến phản ánh của ông Hoàng, Bộ Y tế sẽ trả lời cụ thể sau khi có báo cáo và xác minh thông tin cụ thể của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an.