Quy định về số lượng cổ đông dự họp ĐH cổ đông?
Trong quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, việc họp Đại hội đồng cổ đông gặp không ít khó khăn do quy định về tỷ lệ số phiếu có quyền biểu quyết tham gia dự họp khá lớn. Điều này đã gây ra ít nhiều khó khăn cho người quản trị, điều hành doanh nghiệp, nhiều khi doanh nghiệp đã bỏ qua những cơ hội lớn về kinh doanh do trục trặc trong quá trình triệu tập phiên họp Đại hội đồng cổ đông.
Khắc phục những tồn tại, tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã mở rộng điều kiện để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông:
“1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”.
“2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”.
Trong trường hợp vẫn không tiến hành được thì lần triệu tập thứ ba sẽ “không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp”. (Điều 141 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Tuy nhiên, với nội dung điều luật đã viện dẫn cho thấy đó là tỷ lệ tối thiểu mà pháp luật quy định nhưng về phía doanh nghiệp, vẫn có quyền quy định một tỷ lệ lớn hơn. Đây là quy định mang tính mở, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu như điều lệ doanh nghiệp quy định một tỷ lệ khác thì điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được thực hiện theo các quy định tại điều lệ của doanh nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật