Vướng mắc trong xác nhận hồ sơ xuất khẩu
Ông Hưng không nêu rõ cơ sở kinh doanh lâm sản hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh hay doanh nghiệp.
Trường hợp là doanh nghiệp, theo quy định tại Thông tư số01/2012/TT-BNNPTNT ngày 4/1/2012 và Điều 2 Thông tư số42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản, thì hồ sơ lâm sản trong lưu thông và lâm sản tại cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ, đối với tổ chức gồm có hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính có quy định khác về quản lý hóa đơn. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm) có Văn bản số 300/KL-ĐTXL ngày 9/6/2015 gửi các địa phương về việc tháo gỡ vướng mắc trong xác nhận hồ sơ lâm sản xuất khẩu.
Theo đó, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan kiểm lâm sở tại tạm thời chấp nhận hóa đơn thương mại thay thế hóa đơn xuất khẩu để xác nhận bảng kê lâm sản cho tổ chức xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa nội dung sửa đổi quy định về hóa đơn vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản liên quan đến khai thác lâm sản, quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản, dự kiến được ban hành trong thời gian tới.
Phải lập sổ theo dõi và báo cáo để quản lý nguồn gốc gỗ
Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản sử dụng theo mẫu và áp dụng thống nhất đối với mọi tổ chức có hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh lâm sản theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT.
Quy định trên nhằm quản lý chuỗi cung ứng gỗ, nguồn gốc, số lượng, khối lượng và chủng loại lâm sản nhập vào – xuất ra, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về nguồn gốc gỗ hợp pháp và phù hợp với quy định quốc tế về gỗ hợp pháp.
Trường hợp ông Nguyễn Thành Hưng hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp thì phải thực hiện việc lập sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản.
Việc quy định về chế độ báo cáo đối với cơ sở khai thác, chế biến, kinh doanh lâm sản giúp cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ở địa phương trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, ngăn ngừa tình trạng đưa gỗ bất hợp pháp vào chuỗi chế biến, kinh doanh lâm sản.
Do vậy, định kỳ 3 tháng một lần vào ngày cuối quý, cơ sở kinh doanh lâm sản phải thực hiện báo cáo theo mẫu quy định tại Thông tư số 02/2012/TT-BNNPTNT.
Thư Viện Pháp Luật