Không bắt buộc mua bảo hiểm khi vay gói 30.000 tỷ
Trên cơ sở thông tin ông Trung cung cấp, ngày 14/8/2015 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công văn số 6135/NHNN-TD gửi BIDV yêu cầu rà soát và báo cáo NHNN về phản ánh của ông Trung.
Ngày 24/8/2015, BIDV đã có Công văn số 6391/BIDV-NHBL báo cáo một số vấn đề liên quan đến bảo hiểm khoản vay và kết quả xử lý đối với phản ánh của ông Trung. Cụ thể như sau:
Vấn đề bảo hiểm khoản vay
Tại Công văn số 768/BIDV-NHBL ngày 12/2/2015 của BIDV về hướng dẫn cho vay gói 30.000 tỷ đồng trong hệ thống BIDV quy định: Trường hợp khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm đối với khoản vay/tài sản đảm bảo, chi nhánh khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm tại Tổng công ty bảo hiểm BIC...
Bên cạnh đó, tại Công văn số 1706/BIDV-BLNH ngày 3/4/2015 nêu rõ, không bắt buộc khách hàng mua các loại bảo hiểm, nộp các loại phí trái, ngoài quy định về cho vay gói 30.000 tỷ đồng của BIDV. Như vậy việc mua bảo hiểm đối với khoản vay chỉ mang tính khuyến khích, do khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận.
Trường hợp của ông Trung, tại biên bản làm việc ngày 15/8/2015, ông Trung cũng đã xác nhận: Gói bảo hiểm mà BIDV tư vấn chỉ mang tính chất giới thiệu sản phẩm, khách hàng có quyền quyết định việc mua hay không mua bảo hiểm. Theo báo cáo của BIDV, đến nay ngân hàng và ông Trung đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng để mua căn hộ tại chung cư Tecco Tham Lương, phường Tân Thới Nhất, quận 12 , TP. Hồ Chí Minh và khách hàng không mua bảo hiểm.
Lãi suất giải ngân sau ngày 1/6/2016
Tại khoản 1, Điều 2 Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: "...Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013 )".
Như vậy, những khoản vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ được áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.
Thư Viện Pháp Luật