Truy xuất, thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn
Khi phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh sẽ phải tiến hành truy xuất nguồn gốc thực thẩm. Việc truy xuất này do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, Điều 54 Luật An toàn thực phẩm quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn như sau:
1. Các trường hợp tiến hành việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn:
- Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Khi phát hiện thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn phải thực hiện các việc sau đây:
- Xác định, thông báo lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Yêu cầu các đại lý kinh doanh thực phẩm báo cáo số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường.
- Tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi và biện pháp xử lý.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
* Việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn được quy định tại Điều 55 như sau:
1. Thực phẩm phải được thu hồi trong các trường hợp sau đây:
- Thực phẩm hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường.
- Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Thực phẩm là sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành.
- Thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh.
- Thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định.
- Thực phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
2. Các hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn:
- Thu hồi tự nguyện do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự thực hiện.
- Thu hồi bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.
3. Các hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn bao gồm:
- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn;
- Chuyển mục đích sử dụng;
- Tái xuất;
- Tiêu hủy.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn có trách nhiệm công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi và chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Trong trường hợp quá thời hạn thu hồi mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thực hiện việc thu hồi thì bị cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm:
- Căn cứ vào mức độ vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn, quyết định việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thời hạn hoàn thành việc thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Kiểm tra việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền do pháp luật quy định.
- Trong trường hợp thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp tổ chức thu hồi, xử lý thực phẩm và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thanh toán chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm.
6. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Căn cứ vào các quy định trên, mong rằng các hộ đang làm nghề tại quê Ông sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống cũng như bảo vệ an toàn sức khỏe của cộng đồng.
Thư Viện Pháp Luật