Quyền thừa kế của cá nhân
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xác định rằng, bạn là người Việt Nam định cư tại nước ngoài (Hoa Kỳ) có hai quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (theo hộ chiếu Việt Nam) và quốc tịch Hoa Kỳ. Theo đó, quan hệ thừa kế (để lại di sản cho người thân) của bạn được xác định là quan hệ dân sự (thừa kế) có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 758 Bộ luật dân sự 2005. Quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài này có thể được điều chỉnh bởi cả pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ (quốc gia bạn có quốc tịch và đang sinh sống).
Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam, chúng tôi trả lời bạn như sau:
Quyền được hưởng di sản theo quy định của pháp luật Việt Nam
Bộ luật Dân sự 2005 ghi nhận về quyền thừa kế của cá nhân như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật” (Điều 631) và "Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật"(Điều 632). Do vậy, khi bạn qua đời, vợ và con bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế của bạn theo quy định pháp luật Việt Nam. Theo đó:
Nếu bạn không để lại di chúc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 767, Bộ luật Dân sự 2005 về Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài, vợ và con bạn có quyền hưởng thừa kế đối với khoản tiền gửi tại Ngân hàng Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, tài sản sẽ được phân chia theo pháp luật cho vợ và con bạn với tư cách là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất khi phân chia di sản. Bạn tham khảo thêm quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về Người thừa kế theo pháp luật.
Nếu bạn để lại di chúc:
Khi di chúc được lập phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, vợ và con bạn sẽ hưởng di sản thừa kế theo di chúc này.
Lập di chúc ở Việt Nam và những vấn đề liên quan
Như đã đề cập, việc lập di chúc là quyền của công dân được luật pháp Việt Nam công nhận. Trong trường hợp bạn lập di chúc tại Việt Nam để định đoạt tài sản là khoản tiền được gửi tại ngân hàng Việt Nam, bạn sẽ không chỉ phải tuân thủ quy định về năng lực lập di chúc mà còn phải tuân thủ các quy định về hình thức để một di chúc có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam (Điều 768 Bộ luật dân sự 2005). Bạn có thể tham khảo các quy định về việc lập di chúc, hình thức của di chúc tại các Điều 649, 652, 653, 658 Bộ luật Dân sự 2005.
Để lập di chúc tại Việt Nam: Bạn có thể tìm đến các phòng luật sư, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại Việt Nam để lập di chúc cho vợ và con bạn thừa hưởng tài sản là khoản tiền nêu trên.
Trong trường hợp bạn lập di chúc tại Văn phòng luật sư, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
o Những người làm chứng cho việc lập di chúc của bạn (bao gồm luật sư và những người khác) không được là một trong những người sau:
§ Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
§ Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
§ Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
(Điều 654 Bộ luật dân sự 2005)
o Nếu bạn không thể tự mình viết bản di chúc, bạn có thể nhờ luật sư viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Ngoài ra, bạn phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
o Trường hợp bạn lập di chúc tại các cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, bạn tham khảo quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự 2005 về thủ tục lập di chúc tại các cơ quan này.
Thư Viện Pháp Luật