Vấn đề thừa kế bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Vấn đề thừa kế bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi cá nhân đều được quyền hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đối với tài sản tại Việt Nam (Điều 631, Điều 632 Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005). Và theo Điều 676 Bộ Luật Dân sự Việt Nam, bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản (con đẻ) nên cho dù bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch Pháp) thì vẫn có quyền được hưởng thừa kế bất động sản của bố mẹ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 179, Khoản 1, điểm đ và Điều 186 Luật đất đai 2013 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014), đối với nhà đất mà cá nhân, hộ gia đình tại Việt Nam để thừa kế cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài chỉ được hưởng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đối với nhà đất đó khi thuộc trường hợp được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật nhà ở Việt Nam. Trong trường hợp không thuộc các trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thì người Việt Nam định cư tại nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
2. Về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
Theo Điều 9, Khoản 2 Điều 126 Luật Nhà ở 2005 (đã sửa đổi bổ sung năm 2009), người Việt Nam định cư tại nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau đây thì được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lênthì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Người có quốc tịch Việt Nam; hoặc
b. Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu ở trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam đã đề cập ở trên đối với trường hợp của bạn có thể nhận thấy, bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài (nếu không còn quốc tịch Việt Nam) thì bạn sẽ được hưởng thừa kế và sở hữu nhà ở nếu thuộc đối tượng nêu tại Mục 1, điểm b ở trên khi được phép cư trú tại Việt Nam 3 tháng trở lên; hoặc có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam nếu được cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên.
Trong trường hợp bạn không đáp ứng được các điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam như chúng tôi đã phân tích ở trên thì bạn chỉ được quyền hưởng giá trị của nhà đất mà bố mẹ bạn để thừa kế và có quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho tài sản này.
3. Về quy định mới về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam:
Ngày 25/11/2014 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 có hiệu lực ngày 01/7/2015 (“Luật Nhà ở 2014”).
- Căn cứ theo quy định tại Điều 8, Điều 159 Luật Nhà ở 2014: người Việt Nam định cư tại nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua nhận thừa kế từ cá nhân, hộ gia đình nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam; và
- Cá nhân người nước ngoài cũng được quyền sở hữu nhà ở thông qua nhận thừa kế tại Việt Nam nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng nhà ở nhận thừa kế phải là nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ và không thuộc diện người được quyền ưu miễn trừ ngoại giao, lãnh sự ở Việt Nam (theo Điều 159 Khoản 1 điểm c; Khoản 2, điểm b và Điều 160, Khoản 3 Luật Nhà ở 2014).
Thư Viện Pháp Luật