Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực từ khi nào?
Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực từ khi nào?
Căn cứ Điều 380, Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng và hợp đồng mua bán tài sản như sau:
Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 430. Hợp đồng mua bán tài sản
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Luật Thương mại 2005 không có quy định khái niệm cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa mà tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có quy định về giải thích từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
Theo đó, có thể hiểu, hợp đồng mua bán hàng hóa là một dạng hợp đồng mua bán tài sản, trong đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
Điều 24 Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa theo đó:
- Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
- Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực từ khi nào? (Hình từ Internet)
Như vậy, về nguyên tắc hợp đồng mua bán hàng hóa cũng là một dạng thỏa thuận. Do đó, hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên thỏa thuận.
Vi dụ:
+ Hợp đồng có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày hai bên ký vào hợp đồng này;
+ Hợp đồng có hiệu lực khi bên mua đã tạm ứng cho bên bán 30% tiền hàng và số tiền này đã được chuyển vào tài khoản bên bán tại ngân hàng X theo địa chỉ đã chỉ rõ ở Điều 3 của hợp đồng này.
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực thì hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. (Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015). Tùy vào hình thức giao kết của hợp đồng mà thời điểm giao kết hợp đồng sẽ được xác định khác nhau.
Căn cứ theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời điểm giao kết hợp đồng như sau:
Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.
Như vậy,
- Với những hợp đồng mua bán hàng hóa bằng miệng thì thời điểm thuận mua vừa bán, tiền trao cháo múc được xem là thời điểm giao kết hợp đồng (người mua hàng thanh toán và nhận hàng).
- Với trường hợp hợp đồng thể hiện bằng văn bản thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm 2 bên ký vào hợp đồng.
- Với trường hợp hợp đồng thể hiện bằng hành vi cụ thể thì hành vi đó phải là hành vi mà cả 2 bên đều xác nhận là việc đồng ý xác nhận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật