Thủ tục pháp lý xin nhập khẩu và xin cấp phép lưu hành xe motor ba bánh
Tại khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Theo đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định cấm nhập khẩu đối với xe motor ba bánh. Mặt khác, xe motor ba bánh không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Ngày 29/6/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 với chủ trương cấm sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới và lưu hành xe ba bánh nói chung, theo đó “không cấp phép mới, cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới ba bánh; đối với các loại xe cơ giới ba bánh hiện có đang lưu hành thì ban hành quy định cấm lưu hành (kể cả xe cơ giới ba bánh nhập khẩu) trong nội thành, nội thị và các quốc lộ”. Việc không cấp phép mới cho xe ba bánh lưu hành trong nội thành, nội thị và các quốc lộ là chủ trương chung của Chính phủ nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Trên cơ sở đó, ngày 30/9/2008, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1405/CT-TTg hướng dẫn triển khai thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh theo quy định tại 02 Nghị quyết nêu trên; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện cơ chế chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, phương tiện cho các đối tượng bị đình chỉ. Các Bộ, ngành đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng và thực hiện chính sách nêu trên.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, ngày 24/3/2008, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 1762/BGTVT-VT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam ngừng việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới ba bánh kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2008 (trừ các loại xe cơ giới dùng làm phương tiện đi lại cho thương binh, người tàn tật). Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi phương tiện của người dân sau khi chính sách trên được thực thi, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp thí điểm sản xuất, lắp ráp xe bốn bánh chở hàng có gắn động cơ với kết cấu đơn giản hơn ô tô, giá thành phù hợp với điều kiện của người nông dân và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT ngày 13/5/2014 quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ theo chỉ đạo của Chính phủ sau khi kết thúc thí điểm.
Như vậy, việc triển khai, thực hiện chủ trương nêu trên đã có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và đến nay đã đạt được kết quả tích cực trong việc góp phần giảm ùn tắc giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông.
Thư Viện Pháp Luật