Gỡ vướng một số tình huống trong đấu thầu
Mức bảo đảm dự thầu căn cứ từng gói thầu
Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 11 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể.
Điểm d, Khoản 2, Điều 18 và Điểm a, Khoản 5, Điều 117 Nghị định số63/2014/NĐ-CP quy định, HSDT được đánh giá là hợp lệ khi có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần thì trong HSMT, hồ sơ yêu cầu cần nêu rõ điều kiện chào thầu, biện pháp và giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần và phương pháp đánh giá đối với từng phần hoặc nhiều phần để các nhà thầu tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình.
Đối với trường hợp của bà Thanh, việc HSMT quy định giá trị bảo đảm dự thầu lớn hơn hoặc bằng 1% tổng giá trị sản phẩm dự thầu mà không phải là giá gói thầu là chưa phù hợp theo quy định nêu trên.
Trường hợp tổ chuyên gia, bên mời thầu vẫn tiến hành đánh giá HSDT dựa trên HSMT trước đó thì trong trường hợp nhà thầu có bảo đảm dự thầu là 34.564.000 đồng (làm tròn số) so với yêu cầu là 1% tổng giá trị sản phẩm là 34.564.325 đồng (chênh lệch 325 đồng) vẫn được coi là đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Trường hợp gia hạn hiệu lực của HSDT, đối với gói thầu chia thành nhiều lô, nhiều phần, nếu quá trình lựa chọn nhà thầu bị kéo dài dẫn đến hết hiệu lực của HSDT thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu gia hạn thời gian có hiệu lực của HSDT.
Nhà thầu có quyền gia hạn hoặc không gian hạn thời gian có hiệu lực đối với các lô, phần (hàng hóa) mà nhà thầu đã tham dự. Những lô, phần mà nhà thầu không gia hạn thì không đáp ứng.
Trường hợp nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng nhưng không thực hiện hợp đồng thì việc xử phạt nhà thầu, bồi thường hợp đồng phải tuân thủ theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký.
Không quy định đánh giá năng lực tài chính trên chỉ tiêu lợi nhuận
Trường hợp trong các tài liệu do nhà thầu cung cấp có số liệu khác nhau về năng lực tài chính thì bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu làm rõ về nội dung này.
Trường hợp xác định được nhà thầu trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào thì đây được coi là vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
Ngoài ra, pháp luật về đấu thầu không quy định đánh giá năng lực tài chính trên chỉ tiêu lợi nhuận mà chỉ đánh giá theo giá trị ròng và nguồn lực tài chính. Liên quan đến quy định về tài chính đề nghị bà Thanh tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể.
Trường hợp HSDT được đánh giá là hợp lệ về tiến độ thực hiện
Theo hướng dẫn tại Điểm c Mục 1.2 Chương III của Mẫu số 01 Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, HSDT được đánh giá là hợp lệ khi có thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật đồng thời đáp ứng thời gian theo yêu cầu của HSMT.
Theo đó, trường hợp HSMT yêu cầu thời gian thực hiện gói thầu là 12 tháng nhưng nhà thầu đề xuất là 9 tháng, phù hợp với đề xuất về kỹ thuật và đảm bảo yêu cầu về chất lượng thì HSDT được đánh giá là hợp lệ về nội dung tiến độ thực hiện gói thầu.
Thư Viện Pháp Luật