Đơn vị sự nghiệp công có được vay vốn?
Về việc huy động vốn và vay vốn tín dụng
Tại Điều 11 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
“Điều 11. Huy động vốn và vay vốn tín dụng
Đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật”.
Tại điểm d, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
“Điều 12. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
2. Sử dụng nguồn tài chính ...
d) Đơn vị sự nghiệp công phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về mức chi, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc; tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động; chế độ công tác phí nước ngoài; chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam”.
Cơ chế tự chủ trong giao dịch tài chính
Tại khoản 2, Điều 16 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
"Điều 16. Tự chủ trong giao dịch tài chính
2. Vay vốn, huy động vốn
Đơn vị sự nghiệp công có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Riêng các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vay vốn, huy động vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 12 Nghị định này. Khi thực hiện vay vốn, huy động vốn, đơn vị sự nghiệp công phải có phương án tài chính khả thi, tự chịu trách nhiệm trả nợ vay, lãi vay theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn".
Tại khoản 2, Điều 41 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định:
“Điều 41. Đầu tư xây dụng, mua sắm tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính
2. Việc mua sắm trụ sở làm việc, xe ô tô từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn huy động theo chế độ quy định được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Điều 5, Điều 6 Nghị định này. Riêng việc mua sắm tài sản không phải là trụ sở làm việc, xe ô tô từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị do thủ trưởng đơn vị quyết định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì Trung tâm sát hạch lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi được sử dụng nguồn vốn huy động (trong đó có nguồn vốn vay ngân hàng) để mua xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác sát hạch lái xe của Trung tâm. Định mức xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác sát hạch lái xe do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của HĐND tỉnh Quảng Ngãi.
Trung tâm sát hạch lái xe chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn huy động theo pháp luật áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập, tự chịu trách nhiệm trả nợ vay, lãi vay theo quy định, theo hợp đồng dân sự và cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn.
Thư Viện Pháp Luật