Có được đòi chia tài sản khi không có tên trong di chúc?
Do thông tin bạn cung cấp không nói rõ là bố bạn đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hay chưa, nên tạm chia làm hai trường hợp như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Nếu bố bạn đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và chuyển quyền sử dụng đất, mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bố bạn có toàn quyền định đoạt đối với mảnh đất được ông bạn để lại theo di chúc. Do đó, bác bạn không có quyền đòi chia mảnh đất mà ông nội để lại cho bố bạn.
- Trường hợp thứ hai: Bố bạn chưa làm thủ tục khai nhận thừa kế nên quyền sử dụng đất vẫn thuộc về ông nội bạn, trong trường hợp này có thể xảy ra hai khả năng, cụ thể:
+ Khả năng thứ nhất, giả sử di chúc ông bạn để lại có hiệu lực pháp luật thì trước tiên bố bạn cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và pháp luật về Công chứng; sau đó làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất mà bố bạn được thừa kế. Đối với trường hợp này, bác bạn cũng không có quyền đòi chia mảnh đất mà bố bạn được thừa kế.
+ Khả năng thứ hai, nếu bản di chúc ông bạn để lại không có hiệu lực pháp luật thì lúc này tài sản ông để lại trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật. Trong trường hợp này, về nguyên tắc, bác bạn sẽ được hưởng một phần di sản bằng phần của những người thừa kế hàng thứ nhất (nếu có).
Trên đây là một số tình huống và cách giải quyết căn cứ theo quy định hiện hành của pháp luật về vấn đề thừa kế, bạn có thể đối chiếu để áp dụng cho trường hợp của gia đình mình.
Thư Viện Pháp Luật