Quy định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính

Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết nhà nước vừa ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có những quy định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính. Xin cho biết rõ hơn nội dung các quy định pháp luật này?

 Việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thay thế Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong tố tụng hành chính.
 
Đặc biệt các quy định của luật đã thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm về cải cách tư pháp đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cụ thể là: “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án”.
 
Do vậy, Điều 10 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã quy định:
 
- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp.
 
- Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác.
 
- Các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào