Tên gọi của pháp nhân nên đặt thế nào?
Tên gọi của pháp nhân là một trong những yếu tố lý lịch của pháp nhân, là cơ sở để phân biệt pháp nhân này với pháp nhân khác trong các quan hệ pháp luật.
Cũng giống như cá nhân, mỗi pháp nhân hoạt động đều có một tên gọi nhất định, nhằm cá thể hoá pháp nhân này với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
Tên gọi của pháp nhân là một trong những yếu tố lý lịch của pháp nhân, là cơ sở để phân biệt pháp nhân này với pháp nhân khác trong các quan hệ pháp luật.
Vậy tên gọi của pháp nhân nên đặt như thế nào cho phù hợp với quy định pháp luật:
- Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
- Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.
- Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Thứ nhất, tên gọi của pháp nhân phải có ngay từ khi pháp nhân được thành lập. Tên gọi đó phải đáp ứng cả 3 điều kiện: Bằng Tiếng việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức, phân biệt với pháp nhân khác trong cùng lĩnh vực hoạt động. Tên gọi của pháp nhân phải thể hiện khái quát loại hình tổ chức và lĩnh vực hoạt động của pháp nhân.
Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội, Công ti cổ phần kem Tràng Tiền, Tổng công ty giấy Việt Nam(Vinapaco),...
Thứ hai, tên gọi của pháp nhân là tên chính thức khi tham gia các giao dịch. Pháp nhân sử dụng tên gọi của mình để thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân khác. Tên gọi ấy được thể hiện trong các giấy tờ ngay từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của pháp nhân.
Thứ ba, tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Ngoài tên gọi, pháp nhân còn có những dấu hiệu khác như nhãn hiệu, hàng hoá, biểu tượng của pháp nhân trên các giấy tờ giao dịch, trong các quảng cáo, chứng từ, biển hiệu,… Tên gọi của pháp nhân được đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, được Nhà nước bảo hộ. Không một chủ thể nào khác được sử dụng dấu hiệu riêng của pháp nhân để hoạt động.
Căn cứ pháp lý: Điều 87 Bộ luật Dân sự 2005.
Thư Viện Pháp Luật