Nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân theo pháp luật Việt Nam?
Nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân được ghi nhận trong rất nhiều văn bản chứ không chỉ trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Sự tự nguyện trong hôn nhân gia đình rất quan trọng bởi điều này là yếu tố quyết định xem cuộc hôn nhân của bạn có thể bền vững hạnh phúc và lâu dài được không.
Theo Pháp luật về Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định để có thể kết hôn, người muốn kết hôn phải hội đủ ba điều kiện, bao gồm:
- Người muốn kết hôn phải có năng lực hành vi;
- Người muốn kết hôn phải đạt đến độ tuổi theo luật định
- Đồng thời, người muốn kết hôn phải chấp nhận kết hôn một cách tự nguyện.
Việc hai người kết hôn một cách tự nguyện được hiểu là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ. Kết hôn là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Không thể có hôn nhân ngoài ý muốn của người kết hôn. Gọi là kết hôn ngoài ý muốn một khi một bên hoặc cả hai bên kết hôn không ưng thuận kết hônhoặc sự ưng thuận kết hôn không hoàn hảo.
Không có sự ưng thuận là gì?
Hành vi không có sự ưng thuận được biểu hiện qua hành vi của các chủ thể đặc biệt, bao gồm: người mất năng lực hành vi dân sự và người bị mắc bệnh tâm thần.
- Người mất năng lực hành vi dân sự:
Người mất năng lực hành vi dân sự không thể kết hôn. Người đại diện người mất năng lực hành vi dân sự không có quyền cho phép người được đại diện kết hôn. Đây là giải pháp khá riêng của Pháp luật Việt Nam, bởi trong luật của nhiều nước, người mất năng lực hành vi không mất năng lực pháp luật vẫn được kết hôn: Luật của Pháp thừa nhận rằng người mất năng lực hành vi vẫn có thể kết hôn một khi có ý kiến thuận lợi của bác sĩ điều trị và sự cho phép của gia đình.
- Người bị mắc bệnh tâm thần:
Nếu người không nhận thức được hành vi của mình quyết định việc kết hôn trong lúc không nhận thức được hành vi của mình, thì việc kết hôn không có giá trị do sự ưng thuận không tồn tại. Mặc khác, nếu người không nhận thức được hành vi của mình quyết định việc kết hôn trong lúc đang tỉnh táo, thì việc kết hôn có giá trị. Mặc dù, có thể sau đó, người này bị đặt trong tình trạng mất năng lực hành vi theo một quyết định của Toà án (nếu Toà án quyết định đặt người này trong tình trạng mất năng lực hành vi, thì vợ (chồng) trởt hành giám hộ đương nhiên);
Đối với, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì pháp Luật hôn nhân và gia đình hiện hành không cấm kết hôn đối với những người này. Họ có thể tự mình quyết định việc kết hôn mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Sự ưng thuận kết hôn không hoàn hảo là gì?
Sự ưng thuận không hoàn hảo là hành vi của một bên thực hiện làm cho bên kia tin theo hoặc bị cưỡng ép mà đồng ý việc kết hôn hoặc ly hôn. Việc kết hôn này xét trên hình thức thì đủ các điều kiện để hai bên có thể kết hôn nhưng xét trên mặt tâm lý, suy nghĩ của các bên thì đó lại không phải là sự tự nguyện ý chí.
- Hành vi lừa dối: Hành vi lừa dối là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.
- Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.
- Nhầm lẫn là hành vi không có nhầm lẫn trong hôn nhân. Khác với luật của nhiều nước, pháp luật hôn nhân ở Việt Nam hiện hành không coi sự nhầm lẫn như là một trong những lý do để yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Nếu do nhầm lẫn mà chấp nhận kết hôn, thì người nhầm lẫn có thể xin ly hôn. Nếu sự nhầm lẫn là do hệ quả của sự lừa dối, thì có thể yêu cầu huỷ hôn nhân trái pháp luật do có sự lừa dối.
Căn cứ pháp lý:
Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
"1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".
Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về căn cứ hủy việc kết hôn trái pháp luật
"2. “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ.
3. “Lừa dối kết hôn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn."
Thư Viện Pháp Luật