Các trường hợp chấm dứt pháp nhân?
Chấm dứt pháp nhân là việc chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức với tư cách là chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật mà trước đó tổ chức đó tham gia với tư cách là pháp nhân.
Các trường hợp chấm dứt pháp nhân:
Pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Giải thể pháp nhân.
- Cải tổ pháp nhân.
Thứ nhất, pháp nhân chấm dứt dưới hình thức giải thể.
Hình thức giải thể pháp nhân được quy định tại Điều 98 Bộ luật Dân sự 2005. Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quyết định thành lập pháp nhân thì cơ quan đó có quyền quyết định giải thể pháp nhân đó. Khi giải thể, pháp nhân vẫn phải thực hiện các nghĩ vụ về tài sản của mình.
Nguyên nhân dẫn đến việc giải thể pháp nhân có thể là: Đã thực hiện xong nhiệm vụ, đạt được mục đích đã đề ra khi thành lập pháp nhân, hoạt động của pháp nhân trái với mục đích khi thành lập, vi phạm các điều cấm của pháp luật, thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ đã hết,...
Tuyên bố phá sản là một hình thức giải thể đặc biệt đối với các pháp nhân là doanh nghiệp, xảy ra khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ khi đến hạn.
Thứ hai, pháp nhân chấm dứt dưới hình thức cải tổ pháp nhân.
Cải tổ pháp nhân là một hình thức chấm dứt pháp nhân thông qua việc tổ chức lại pháp nhân đó. Việc cải tổ pháp nhân có thể được thực hiện dưới các hình thức sau:
+ Hợp nhất pháp nhân.
+ Sáp nhập pháp nhân.
+ Chia pháp nhân.
+ Tách pháp nhân.
Cải tổ pháp nhân không giống với giải thể pháp nhân. Giải thể pháp nhân làm chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân như là một chủ thể, các quyền và nghĩa vụ của nó chấm dứt thông qua việc thanh lý tài sản. Cải tổ pháp nhân tuy làm chấm dứt hoạt động của pháp nhân nhưng quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển cho pháp nhân mới. Thực chất, cải tổ pháp nhân chỉ là sự sắp xếp lại tổ chức của pháp nhân bằng việc chuyển hoặc giảm cơ cấu tổ chức của pháp nhân.
Thời điểm chấm dứt pháp nhân:
Tư cách chủ thể của pháp nhân bị chấm dứt từ thời điểm xoá sổ đăng kí hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ pháp lý: Điều 99 Bộ luật Dân sự 2005.
Thư Viện Pháp Luật