Người có quyền tố cáo
Trường hợp ông (bà) không phải là người chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhưng phát hiện có hành vi sai phạm của những người này thì được phép thực hiện quyền tố cáo của mình. Điều 256 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Như vậy, khi thấy vị Chánh án của Toà án nhân dân tỉnh P có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì pháp luật cho phép ông (bà) tố cáo hành vi này. Khi thực hiện quyền tố cáo, ông (bà) có các quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quy định tại Điều 257 Luật Tố tụng hành chính năm 2010, gồm:
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
b) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;
c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
2. Người tố cáo có nghĩa vụ sau đây:
a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;
b) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
Thư Viện Pháp Luật