Nhà đã ủy quyền quản lý khi ra nước ngoài, nay muốn lấy lại phải làm thế nào?

Năm 2006 tôi xuất cảnh sang định cư tại Australia. Trước khi đi tôi đã lập giấy ủy quyền cho người chị họ quản lý căn nhà của tôi. Nay tôi được biết nhà nước có chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, vậy tôi muốn đăng ký sở hữu căn nhà đó của tôi thì có được không?

Qua thư của bạn cho thấy, tại thời điểm xuất cảnh ra nước ngoài sinh sống nhà đất mà bạn tạo lập chưa được đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Văn bản ủy quyền đã được chứng thực hợp pháp thể hiện các quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền, theo đó người chị họ của bạn có nghĩa vụ thực hiện các công việc theo ủy quyền; bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền; giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Hiện tại bạn đang sinh sống ở nước ngoài nhưng bạn vẫn có quyền về tài sản do mình tạo lập hợp pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, để được đăng ký quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với nhà đất này thì bạn phải có các điều kiện mà pháp luật về nhà ở, về đất đai quy định.

Theo Điều 126 của Luật nhà ở (sửa đổi bổ sung năm 2009) thì quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định như sau:   

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Điều 121 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung có quy định:Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Nếu xét thấy hội đủ các điều kiện đã trích dẫn trên đây thì bạn có thể làm thủ tục để được đăng ký quyền sở hữu nhà ở cho mình.

 

                                                                       

                                                        

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào