Người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con không chịu nộp tiền, phải giải quyết thế nào?

Chúng tôi ly hôn đã hơn một năm nay, theo bản án của Tòa án huyện thì tôi trực tiếp nuôi con 6 tuổi, cha của cháu phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 700.000đ. Thời gian đầu tôi đều đặn nhận được khoản tiền trên, nhưng đã 5 tháng nay anh ấy không đưa tiền cho tôi nữa và còn bảo tôi phải tự lo lấy. Bản thân tôi chỉ buôn bán nhỏ không đủ trang trải cuộc sống và việc học hành của con, còn anh ấy làm việc cho công ty xuất khẩu thủy sản, có thu nhập khá. Tôi có thể yêu cầu cơ quan nào can thiệp để giải quyết việc này được không? (Thúy Hà – Vạn Ninh)

Theo Luật Thi hành án dân sự, một người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm:

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp: Theo thỏa thuận của đương sự; Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

Chấp hành viên là người sẽ ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Thu nhập của người phải thi hành án baogồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện việc trừ vào thu nhập.

Từ những quy định đó, chị có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự của huyện nơi có Tòa án đã ra bản án sơ thẩm đó để được xem xét giải quyết.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào