Bị tai nạn có được hưởng chế độ của người khuyết tật không?
Những vấn đề chị đặt ra được điều chỉnh tại Luật Người khuyết tật ban hành năm 2010 và Nghị định số 28/2012 của Chính phủ. Luật đã xác nhận, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Nhà nước có các chế độ đối với người khuyết tật như chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giáo dục, dạy nghề và việc làm; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch; chế độ bảo trợ xã hội gồm trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng, mai táng phí …
Việc được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng của người khuyết tật như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ khuyết tật của người đó.
Mức độ khuyết tật được phân định các loại như: a- Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. b- Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc. c- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc hai trường hợp kể trên.
Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, mức cấp kinh phí nuôi dưỡng hàng tháng đối với người khuyết tật được tính theo mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của Chính phủ nhân với hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng.
Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được quy định như sau:
a) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
b) Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em;
c) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng;
d) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.
Để được xem xét giải quyết các chế độ cho chồng chị, chồng chị hoặc chị phải làm đơn đề nghị xác nhận mức độ khuyết tật gửi UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) nơi cư trú của chồng chị để được xem xét cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Sau khi có Giấy xác nhận khuyết tật, chị nộp tiếp hồ sơ cho UBND cấp xã để đề nghị trợ cấp xã hội. Trong trường hợp của chồng chị, hồ sơ gồm các giấy tờ:
a) Tờ khai thông tin của người khuyết tật (theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội);
b) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu;
d) Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;
UBND cấp xã sẽ tổ chức xét duyệt hồ sơ, trình lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để được xem xét trình Chủ tịch UBND cấp huyện ký Quyết định trợ cấp xã hội.
Thư Viện Pháp Luật