Xem xét lại việc giải quyết khiếu nại
Đối với quyết định hành chính mà bạn cho là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể chọn con đường khiếu nại hành chính đến người có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Ở đây bạn đã không chọn con đường khởi kiện, việc khiếu nại khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh và đã có hiệu lực, nếu bạn cho rằng việc giải quyết đó đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể kiến nghị xem xét lại. Việc xem xét lại việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật được quy định tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP, ngày 03/10/2012 của Chính phủ. Nội dung này được quy định như sau:
1. Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc khiếu nại hoặc giao Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra, xem xét lại vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết.
2. Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc khiếu nại hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Kết quả kiểm tra, xem xét lại vụ việc khiếu nại được xử lý như sau:
a) Trường hợp Thủ tướng Chính phủ kết luận việc giải quyết khiếu nại là đúng pháp luật, người ra quyết định giải quyết khiếu nại tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại và thông báo công khai chấm dứt việc xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại.
b) Trường hợp Thủ tướng Chính phủ kết luận việc giải quyết khiếu nại sai một phần hoặc sai toàn bộ, người ra quyết định giải quyết khiếu nại giải quyết lại vụ việc, sửa sai, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại và thông báo công khai việc giải quyết lại vụ việc khiếu nại.
c) Người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị của Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về việc giải quyết khiếu nại.
Bạn cần lưu ý cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu là chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Thư Viện Pháp Luật