Từ chối chứng thực chữ ký trong hợp tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà

Đầu tháng 9 năm 2006, bà Trần Thị Hằng có ý định cho vợ chồng con gái của mình là chị Trần Lâm Phương và anh Nguyễn Quốc Khánh ngôi nhà được xây dựng trên một diện tích đất rộng 86m2. Bà Hằng cùng vợ chồng chị Phương đã soạn thảo hợp đồng tặng cho và đến Uỷ ban nhân dân xã yêu cầu xác nhận chữ ký của mình trong hợp đồng trước khi mang tới Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện để làm thủ tục đăng ký. Khi đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, sau khi nghe yêu cầu của mẹ con chị Phương, anh Quang là cán bộ tư pháp - hộ tịch của Uỷ ban nhân dân đã tiếp nhận để giải quyết việc chứng thực chữ ký của các bên trong hợp đồng đó và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký chứng thực. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã giải quyết tình huống này như thế nào?

 Đây là trường hợp yêu cầu chứng thực hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, việc chứng thực phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật về chứng thực hợp đồng mà không phải là chứng thực chữ ký cá nhân, theo đó khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải chịu trách nhiệm về các nội dung sau:
 
- Thời điểm, địa điểm chứng thực;
 
- Năng lực hành vi dân sự của các bên giao kết hợp đồng;
 
- Thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
 
- Chữ ký của các bên giao kết hợp đồng.
 
(Trích điểm 5.1 khoản 5 Mục I Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP- BTNMT).
 
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, nếu cán bộ tư pháp - hộ tịch của Uỷ ban nhân dân xã tiếp nhận yêu cầu của các bên là chỉ chứng thực chữ ký của họ trong hợp đồng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Việc chứng thực đó chưa đủ điều kiện để làm hợp đồng phát sinh hiệu lực.
 
Do đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã cần chỉ đạo cán bộ tư pháp - hộ tịch giải thích cho người yêu cầu chứng thực hiểu và thực hiện chứng thực hợp đồng tặng cho theo đúng trình tự sau đây:
 
- Nếu UBND tỉnh nơi có tài sản chưa chuyển giao các hợp đồng, giao dịch mà Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đang chứng thực sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thì các bên có thể lựa chọn hình thức công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
 
Nếu các bên chọn hình thức chứng thực thì đề nghị các bên giao kết hợp đồng là bà Hằng - bên tặng cho và vợ chồng chị Phương là bên được tặng cho quyền sử dụng đất nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm có các loại giấy tờ sau:
 
+ Phiếu yêu cầu chứng thực (ghi theo mẫu tại Uỷ ban nhân dân xã);
 
+ Bản sao Giấy chứng minh nhân dân của bà Hằng, chị Phương và anh Khánh;
 
+ Bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
 
+ Hợp đồng mà các bên đã soạn thảo sẵn.
 
- Sau khi nhận đủ hồ sơ, cán bộ tư pháp - hộ tịch yêu cầu các bên cung cấp bản chính các giấy tờ đã nộp bản sao để đối chiếu, nếu hợp lệ thì ghi vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch và thực hiện các việc sau:
 
+ Xác định năng lực hành vi dân sự của các bên giao kết hợp đồng;
 
+ Xem xét nội dung của hợp đồng đã được soạn thảo sẵn, trong trường hợp nội dung hợp đồng được soạn thảo sẵn vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc soạn thảo không đạt yêu cầu thì phải sửa đổi, bổ sung;
 
+ Đọc lại hợp đồng cho các bên giao kết nghe hoặc yêu cầu các bên giao kết tự đọc lại hợp đồng trong trường hợp hợp đồng được sửa đổi, bổ sung;
 
+ Yêu cầu các bên ký tắt vào từng trang của hợp đồng, trừ trang cuối phải ký đầy đủ;
 
+ Ghi lời chứng và trình Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã chứng thực.
 
- Nếu UBND tỉnh nơi có đất đã chuyển giao các hợp đồng, giao dịch mà Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đang chứng thực sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thì cán bộ tư pháp - hộ tịch hướng dẫn họ đến trực tiếp các tổ chức hành nghề công chứng để làm thủ tục công chứng Hợp đồng tặng cho theo Luật Công chứng năm 2006.
 
Nguồn: moj.gov.vn
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tặng cho quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào