Điều kiện thành lập cơ sở điều trị cai nghiện

Tôi có đứa con bị nghiện ma túy đã nhiều năm, sau đó với quyết tâm cai nghiện của nó và sự tận tình giúp đỡ của cơ sở cai nghiện cũng như sự hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của cán bộ địa phương, cán bộ y tế và cộng đồng dân cư nên nó đã thành công, từ bỏ được ma túy. Gia đình chúng tôi rất mừng. Để bày tỏ sự biết ơn đó, nay tôi có một ít vốn, tôi muốn mở một cơ sở để giúp đỡ những người bị nghiện hầu mong họ thoát khỏi căn bệnh đó. Tôi không rõ mình có được phép làm công việc đó không, và nếu được thì cần những điều kiện gì?

Cá nhân thành lập cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện là việc được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Về nội dung hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được phân định trong một số phạm vi cụ thể như: a/Điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khoẻ; b/ Giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện; c/ Thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện, phục hồi nêu trên.

Mỗi phạm vi hoạt động pháp luật đặt ra những yêu cầu cụ thể có khác nhau. Đối với hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe, cơ sở cai nghiện phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vất chất và con người cụ thể như sau:

Về cơ sở vật chất, yêu cầu: Có nơi tiếp nhận người nghiện, cắt cơn giải độc, cấp cứu, theo dõi sau cắt cơn, phục hồi sức khỏe với diện tích sử dụng tối thiểu 5m2/người cai nghiện và có đủ trang thiết bị y tế, có đủ thuốc hỗ trợ cắt cơn, giải độc, thuốc cấp cứu và các loại thuốc cần thiết khác theo quy định của Bộ Y tế; có khu vực riêng cho người chưa thành niên, phụ nữ, nhười mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm, người đã cai nghiện nhiều lần, người có hành vi gây rối trật tự công cộng; có đủ điện, nước, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, hệ thống xử lý chất thải; có biện pháp, phương tiện bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của cán bộ, nhân viên và người cai nghiện; đảm bảo điều kiện ăn, ở hợp vệ sinh cho người cai nghiện. Về nhân sự: Người đứng đầu cơ sở cai nghiện phải là người đã có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và phải có giấy chứng nhận đã qua tập huấn về công tác quản lý cai nghiện ma túy do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan Y tế cấp tỉnh trở lên cấp; người phụ trách chuyên môn là bác sĩ, được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc trong lĩnh vực điều trị hỗ trợ cai nghiện, có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên, trong đó có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ mười hai tháng trở lên, có giấy chứng nhận đã qua tập huấn phương pháp điều trị cai nghiện ma túy do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; có đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý, đã có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, có chứng chỉ hành nghề phù hợp, đối với người làm công tác bảo vệ phải có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ; người làm việc tại cơ sở cai nghiện tự nguyện phải có hồ sơ, lý lịch rõ ràng, không thuộc đối tượng cấm hành nghề.

Ông có thể tham khảo thêm các quy định chi tiết tại các Điều 2, 3, 5, 7, 8, 10 của Nghị định 147/2003/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 94/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 3, 4 Thông tư liên tịch số 43/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Y tế.

 Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào