Không ra Quyết định giải quyết khiếu nại?
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết, nếu chỉ có văn bản giải thích mà không có quyết định giải quyết khiếu nại bằng hình thức quyết định là vi phạm pháp luật. Nội dung này được quy định tại Điều 6 của Luật khiếu nại hiện hành.
Về việc khởi kiện vụ án hành chính: Trước đây theo quy định củaPháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Luật khiếu nại, tố cáo và Luật đất đai, trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai nhưng khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân. Quy định này đã hết hiệu lực kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực, ngày 01-7-2011.
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó. Như vậy, theo quy định hiện hành, khi có quyết định hành chính mà bạn không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ngay nếu như không muốn khiếu nại hành chính.
Trong trường hợp của bạn, bạn đã khiếu nại quyết định hành chính, và đã được người có thẩm quyền giải quyết, nếu bạn không đồng ý với việc giải quyết đó thì bạn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Bạn có thể tham khảo thêm quy định của pháp luật tại các Điều 28, 103, 264 Luật tố tụng hành chính.
Thư Viện Pháp Luật