Quyền yêu cầu giám định
Chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) và người tiến hành tố tụng (người có thẩm quyền của cơ quan Tòa án, Kiểm sát) mới có quyền trưng cầu giám định. Bà là đương sự trong vụ án dân sự, nếu sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được họ chấp nhận thì tự mình có quyền yêu cầu giám định. Luật giám định tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013) quy định các đối tượng là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ (trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo) có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Để thực hiện yêu cầu giám định bà phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ án dân sự đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây: Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; tên và đặc điểm của đối tượng giám định; tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định
Thư Viện Pháp Luật