Có được yêu cầu giám định không?
Theo Điều 22 Luật giám định tư pháp, khi có nhu cầu giám định, bạn cần làm đơn gửi đến Tòa án đang giải quyết vụ án để yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định. Trong trường hợp Tòa án từ chối trưng cầu giám định thì bạn có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Người tự mình yêu cầu giám định có các quyền như: Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu; yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định; đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định; yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định.
Người yêu cầu giám định có các nghĩa vụ: Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp; nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
Bạn cần lưu ý là bạn chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
Thư Viện Pháp Luật