Chế độ trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, ngày 30-8- 2013 quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu thì được hưởng trợ cấp theo Quyết định này.
Để được hưởng trợ cấp, nhà giáo phải có đủ ba điều kiện sau đây:
1. Có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên;
2. Nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1994 đến ngày 31 tháng 5 năm 2011;
3. Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Mức trợ cấp được tính một lần, bằng tiền theo công thức:
Số tiền trợ cấp = (lương hưu hằng tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp
Trong đó:
- Lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành;
- Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục công lập đã được tính hưởng chế độ hưu trí. Nếu có tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.
Chế độ trợ cấp này được thi hành từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, ngày 15-10-2013.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
Thư Viện Pháp Luật