Tổ chức công đoàn với việc phổ biến, giáo dục pháp luật
Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội ban hành năm 2012 đã ghi nhận: Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được pháp luật giao các quyền vàtrách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó có việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn cũng được Luật giao trách nhiệm cụ thể trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gồm năm nội dung như sau:
1. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
2. Phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
3. Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật của tổ chức mình.
4. Vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.
5. Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn có trách nhiệm chủ trì vận động người lao động tìm hiểu, học tập pháp luật. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tập trung vào quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
Thư Viện Pháp Luật