Thừa kế tài sản có nhân tố nước ngoài

Tôi có người em ruột đi định cư ở nước ngoài từ trước năm 1993. Khi tôi đi làm giấy tờ nhà diện tích 32m2 mà mẹ tôi cho (nằm chung trong mảnh đất có giấy chủ quyền của cha mẹ tôi) thì địa phương cho biết là chờ nghị định mới của Chính phủ, như vậy có đúng không? Nếu như người em tôi có giấy khước từ di sản của cha mẹ cho thì gia đình mẹ và tôi có làm chủ quyền nhà được không? Nếu không thì phải đợi đến bao giờ Chính phủ mới ban hành nghị định mới? (Nguyễn Văn Sáu, 832 An Dương Vương, P.13, Q.6, TP.HCM).

Đơn ông không nói rõ cha ông còn sống hay đã mất, nếu cha của ông đã mất thì địa phương trả lời như vậy là đúng, tức là thuộc trường hợp chia di sản thừa kế có nhân tố nước ngoài vì người em của ông định cư ở nước ngoài. Vào thời điểm đó các cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết được (áp dụng theo Nghị quyết 58 của Chính phủ). Hiện nay đã ban hành Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 tháo gỡ những trường hợp trên.

Trong đơn ông không trình bày người em của ông hiện nay đã nhập quốc tịch Mỹ hay chưa, đã thôi quốc tịch Việt Nam chưa? Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin trích dẫn những nội dung có liên quan để ông tham khảo: "Đối với những trường hợp thừa kế về nhà ở được mở trước ngày 1.7.1991 thì giải quyết như sau:

a) Nếu người thừa kế có quốc tịch Việt Nam hoặc đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam hoặc đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa nhập quốc tịch nước ngoài thì được xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với phần thừa kế của mình;

b) Nếu người thừa kế đã nhập quốc tịch nước ngoài và đã thôi quốc tịch Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam nhưng chưa từng có quốc tịch Việt Nam thì được hưởng giá trị phần thừa kế đó".

Như vậy, từ những quy định trên, gia đình ông có thể đến phòng công chứng nhà nước để khai (nhường) di sản thừa kế hoặc đến tòa án nhân dân (nếu có tranh chấp) để phân chia di sản thừa kế. Từ kết quả phân chia di sản này, ông mới có cơ sở đi làm chủ quyền nhà của ông.

Trường hợp khước từ tài sản chỉ có giá trị pháp lý 6 tháng kể từ khi mở thừa kế (thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản chết). Sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế. Vì vậy, em của ông phải về làm thủ tục khai và nhường thừa kế hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền này của mình.

Việt Báo (Theo_Thanh Niên )

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào