Thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Theo quy định của pháp luật về thừa kế, một người chết không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng thuộc vào trường hợp theo quy định của pháp luật di chúc không phát sinh hiệu lực thì di sản được để lại cho những người thừa kế theo pháp luật.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự các hàng thừa kế như sau:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Với ba hàng thừa kế được phân định, khi có người thừa kế ở hàng thứ nhất thì chỉ những người này được hưởng thừa kế. Trong trường hợp không có người thừa kế ở hàng thứ nhất thì những người hàng thứ hai được hưởng; nếu hàng thứ nhất và thứ hai đều không có thì mới đến hàng thứ ba. Nói “không có người thừa kế” ở một hàng nào đó, được hiểu là những người thừa kế này đã chết hoặc họ không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật hoặc họ từ chối nhận di sản.
Ngoài những người thừa kế theo các hàng thừa kế nói trên, Luật cũng quy định quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Theo đó, con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.
Với quy định này của Luật thì người con riêng của bà do đã có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng cha dượng của mình như cha đẻ nên thuộc trường hợp được hưởng thừa kế tài sản của chồng bà. Trong trường hợp có tranh chấp giữa những người thừa kế thì người con của bà có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật