Muốn mua BHYT thì phải mua cả hộ gia đình có đúng hay không?
BHXH Việt Nam trả lời:
Thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thì đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình thực hiện theo hình thức bắt buộc.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC thì đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình bao gồm toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú), trừ đối tượng thuộc các nhóm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng và nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Ví dụ 1: Gia đình ông B có 07 người có tên trong sổ hộ khẩu, trong đó có 01 người hưởng lương hưu, 01 người là công chức; số người tham gia BHYT theo hộ gia đình ông B là 05 người.
Như vậy, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi 2014, kể từ ngày 01/01/2015 bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật BHYT, việc thực hiện giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình còn gặp một số khó khăn nhất định; do đó, để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người đang tham gia BHYT, ngày 10/11/2015 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2015/QH13, trong đó chỉ đạo “Thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; có giải pháp phù hợp để thực hiện BHYT theo hộ gia đình…”; cùng kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, theo hướng: khuyến khích các thành viên hộ gia đình tham gia BHYT trong cùng năm tài chính để được hưởng mức giảm trừ mức đóng theo quy định của Luật BHYT. Như vậy, quy định việc tham gia BHYT bắt buộc theo cả hộ gia đình hay từng thành viên trong hộ gia đình trong thời gian tới với một lộ trình thực hiện sẽ do Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật