Những giấy tờ nào thay thế được cho quyết định xuất ngũ?
BHXH Việt Nam trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp (theo Quyết định 47/2002/QĐ-TTg, 290/2005/QĐ-TTg, 92/2005/QĐ-TTg, 142/2008/QĐ-TTg, 38/2010/QĐ-TTg, 53/2010/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg) thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.
Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, BHXH một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân được tính hưởng BHXH.
Đối với trường hợp Bố của Bạn có thời gian công tác trong quân đội trước năm 1995 sau đó xuất ngũ về làm việc tại cơ quan Nhà nước nhưng không còn quyết định xuất ngũ thể hiện quá trình công tác trong quân đội trước năm 1995 được thực hiện theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau: “Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01/01/1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định”.
Bố của Bạn căn cứ quy định nêu trên để liên hệ với cơ quan, đơn vị quản lý cũ để hoàn thiện hồ sơ.
Thư Viện Pháp Luật