Chia thừa kế tài sản hương hỏa không đều?
Chào bạn,
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp thì:
Năm 1996 ông bà Nội bạn mất có để lại di chúc chia đều tài sản là 500m2 đất ở cho 3 người con trai bao gồm bác, chú và bố của bạn.
Như vậy, nếu di chúc hợp pháp và không có ai thuộc trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 669 Bộ luật dân sự 2005 (BLDS) thì di sản của ông bà Nội bạn là 500m2 đất ở sẽ chia đều cho 3 người bao gồm bác, chú và bố của bạn mỗi người sẽ được hưởng 1/3 trị giá của 500m2 (tương đương với 166,67m2 đất).
"Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này: 1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; 2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.
Năm 2003 bố bạn chết, không để lại di chúc và hiện tại gia đình bạn gồm có 3 người là bạn, mẹ và em gái bạn thì những người thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất đối với 1/3 di sản (mà lẽ ra bố bạn sẽ được hưởng từ ông bà Nội bạn nếu bố bạn còn sống) gồm có: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (Điều 676 BLDS)
Như vậy đối với 1/3 di sản của ông bà Nội để lại cho bố của bạn thì mẹ bạn, bạn và em gái sẽ là những người thừa kế theo pháp luật và nằm ở hàng thừa kế thứ nhất. Mỗi người hưởng 1/3 : 3 = 1/6 trị giá của 500m2 đất (tương đương với 166,67m2 : 3 = 55,55 m2 đất).
Vì bố bạn chết sau ông bà Nội bạn nên trường hợp của bạn và em gái bạn không phải là thừa kế thế vị. Theo Điều 677 BLLD quy định về thừa kế thế vị thì:
“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Câu hỏi và câu trả lời:
1) Ông bà thừa kế riêng cho bố em. Khi bố em mất đi không để lại di chúc thì ai là người được thừa kế (mẹ em hay em & em gái hay cả 3 mẹ con em)
-> Người thừa kế di sản của bố bạn bao gồm: bạn, mẹ và em gái bạn.
2) Mẹ em kí nhận việc phân chia tài sản có đúng quy định của pháp luật không hay chỉ em và em gái hay cả 3 mẹ con em phải kí nhận tài sản thừa kế.
-> Nếu bạn và em bạn đủ 18 tuổi thì cần phải có sự đồng ý của bạn và em bạn. Mẹ bạn ký văn bản phân chia di sản chỉ đúng trong phần di sản mà mẹ bạn được hưởng (tương đương với 55,55 m2 đất). Còn phần di sản của bạn và em gái thì mẹ bạn không có quyền quyết định thay nếu không được sự ủy quyền bằng văn bản của bạn và em gái bạn.
3) Em muốn chia lại làm 3 phần bằng nhau có được không?
-> Được, nếu bác, chú và gia đình của bạn cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc và đồng ý phân chia lại đúng theo nội dung di chúc của ông bà Nội.
4) Bác em, chú em và mẹ em đã nộp tất cả giấy tờ ra Xã đợi cấp sổ đỏ cho 3 người có đúng pháp luật không, giả sử có sổ đỏ rồi em có quyền khởi kiện không & kiện như thế nào?
-> Trường hợp này đã bỏ sót người thừa kế (bạn và em bạn). Bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế. Theo quy định tại Điều 645 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (ngày ông/bà Nội bạn chết) đến nay đã quá 10 năm nên hết thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên tại Điều 2.4 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế cụ thể như sau:
a. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc;.......
b. Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Thư Viện Pháp Luật