Pháp luật quy định như thế nào về đối tượng được bồi thường, thời hiệu yêu cầu bồi thường?
*Đối tượng được bồi thường
Điều 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định: “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần (sau đây gọi chung là người bị thiệt hại) trong các trường hợp quy định tại Luật này thì được Nhà nước bồi thường.”
Theo đó thì cá nhân, tổ chức của Việt Nam hay nước ngoài đều có thể trở thành đối tượng được bồi thường nếu bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra và được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Điều 13, 26, 28, 38, 39).
* Thời hiệu yêu cầu bồi thường
Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định:
“1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.
2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này được xác định theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, giải quyết vụ án hành chính đã xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và có thiệt hại thực tế mà việc bồi thường chưa được giải quyết thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Bên cạnh đó tại Điều 2 Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau:
“1. Nhà nước chỉ bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại được quy định trong phạm vi của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi có đủ các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết trong các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;
b) Thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn;
c) Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.”
Thư Viện Pháp Luật