Tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2016
Về độ tuổi ứng cử đại biểu HĐND tỉnh:
Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/6/2015, quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật này”.
Về Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Điều 7 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định như sau:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Về Hồ sơ ứng cử
Theo Điều 2, Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 29/01/2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân bao gồm:
1. Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm:
a) Đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 (theo mẫu số 5/BCĐBHĐND);
b) Sơ yếu lý lịch đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo mẫu số 6/BCĐBHĐND), có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử thường trú;
c) Tiểu sử tóm tắt đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo mẫu 7/BCĐBHĐND);
d) Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo mẫu số 8/BCĐBHĐND);
đ) Mỗi bộ Hồ sơ ứng cử của người ứng cử có 03 ảnh chân dung màu, nền trắng cỡ 4cm x 6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt).
2. Người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản sử dụng trong hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết này. Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy, nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản trong hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành (file điện tử các mẫu văn bản trong hồ sơ ứng cử có thể tải về từ Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội http://www.quochoi.vn). Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.
3. Ảnh của người ứng cử là ảnh được chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. Trong Sơ yếu lý lịch, Tiểu sử tóm tắt, ảnh của người ứng cử phải được dán đúng vị trí quy định và được đóng dấu giáp lai của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử thường trú.
Tải biểu mẫu hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tại đây
Nộp hồ sơ ứng cử (Điều 3 Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG)
1. Việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:
Người ứng cử được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào thì nộp 01 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính cấp đó.
2. Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 17 tháng 02 năm 2016 và kết thúc vào lúc 17 giờ 00 ngày 13 tháng 3 năm 2016. Riêng thứ bẩy, ngày 12 tháng 3 năm 2016 và chủ nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2016, Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Cơ quan thường trực của Uỷ ban bầu cử tỉnh đặt tại Sở Nội vụ, địa chỉ: Khu liên cơ I, số 01 Trần Phú, thành phố Nha Trang./.
Thư Viện Pháp Luật