Chuyển xếp lương trong DNNN

Chào LS, nhờ LS tư vấn giúp em vấn đề sau: Em hiện đang làm việc trong công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Em và chị A,B cùng hưởng hệ số 2,37 (Trung cấp) từ T8/2007. T11/2008 chị A được chuyển lên 2,65 (Đại học) và thời gian nâng lương tiếp theo là T8/2007. T11/2009 chị B được chuyển lên 2,65 (Đại học) và thời gian nâng lương tiếp theo là T8/2007. T8/2009 em và chị B không được nâng bậc lương vì Lãnh đạo công ty không có thời gian họp xét. T8/2010 em bổ sung bằng ĐH nhưng cũng không được chuyển ngạch mà phải đợi đến kỳ xét nâng lên hệ số 2,56 rồi mới chuyển lên 2,65 (bậc ĐH) Trong tháng 12/2010 Hội đồng thi đua có họp và phòng TCHC có ý kiến đề nghị như sau : Chị A,B được nâng tiếp lên 1 bậc nữa là 2,96. Còn em thì được nâng lên là 2,65. Em thấy có cùng hệ số ban đầu là 2,37 nhưng chỉ bổ sung bằng ĐH sau chị B 1 năm và sau chị A 2 năm nhưng bây giờ thì em lại bị thua 3 năm tương đương 1 bậc. Em thấy không thoả đáng. Vậy phòng TCHC có thực hiện theo đúng Luật Lao động chưa? Em có thể kiến nghị gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Kính mong LS tư vấn cho em những thông tư, quy định để em có cơ sở trao đổi lại với phòng TCHC. Xin chân thành cảm ơn.

Tháng 8/2007: Bạn và chị A,B cùng hưởng hệ số 2,37 (Trung cấp)

Tháng 11/2008 chị A được chuyển lên 2,65 (Đại học) và thời gian nâng lương tiếp theo là tháng 8/2007.(?)

Tháng 11/2009 chị B được chuyển lên 2,65 (Đại học) và thời gian nâng lương tiếp theo là tháng 8/2007.(?)

Chào bạn,

Thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên rất khó có thể trả lời một cách chính xác câu hỏi như yêu cầu của bạn được.

Do chế độ nâng bậc lương được quy định và thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế lương, nâng bậc lương, thưởng của công ty và tùy vào tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu công việc, căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, thâm niên công tác cũng như các điều kiện cụ thể khác để xét nâng bậc lương hằng năm cho người lao động đối với từng trường hợp cụ thể sẽ khác nhau nên bạn tự đối chiếu các quy định, thỏa thuận của công ty trong hợp đồng lao động, thỏa ước, quy chế công ty để biết việc công ty nâng bậc lương cho bạn như vậy là có thỏa đáng hay không?

Bạn tham khảo các quy định sau về Chế độ nâng bậc lương đối với người lao động làm việc trong Doanh nghiệp Nhà nước:

Thông tư 18/2008/TT-BLĐTBXH ngày 16/09/2008 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/05/2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ về tiền lương.

“Chế độ nâng bậc lương theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định 114/2002/NĐ-CP thực hiện như sau:

a. Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu công việc, tình hình sản xuất, kinh doanh, sau khi tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời, công ty lập kế hoạch và tổ chức nâng bậc lương cho người lao động làm việc trong công ty;

b. Căn cứ để nâng bậc lương đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận; đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ là tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức và thâm niên làm việc trong công ty;

c. Điều kiện xét để nâng bậc lương hằng năm như sau;

- Phải thường xuyên hoàn thành công việc được giao về số lượng, chất lượng ghi trong hợp đồng lao động đã ký kết;

- Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và nội quy lao động của công ty;

- Đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành phục vụ có thời gian giữ bậc lương hiện hưởng tại doanh nghiệp ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) thấp hơn 2,34; có ít nhất 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) từ 2,34 trở lên quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

Đối với công nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh đạt kết quả thi nâng bậc theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận, nếu thi đạt bậc nào thì xếp lương theo bậc đó.

d. Các trường hợp được nâng bậc lương sớm, rút ngắn thời hạn nâng bậc lương

Trong thời gian giữ bậc quy định tại điểm c nêu trên, người lao động đoạt giải tại các cuộc thi chuyên môn, kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế do công ty cử đi tham dự; đạt danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc ngành, lĩnh vực, bằng khen của Thủ tướng, của Bộ quản lý ngành thì được xét nâng bậc lương sớm như sau:

- Người đoạt giải nhất, giải nhì tại các cuộc thi cấp quốc tế thì được nâng sớm 2 bậc lương;

- Người đoạt giải nhất tại các cuộc thi cấp quốc gia, giải 3 tại các cuộc thi cấp quốc tế, người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương lao động hạng 1, 2, 3, chiến sĩ thi đua toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điểm của Luật Thi đua khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điểm của Luật Thi đua khen thưởng thì được nâng sớm 1 bậc lương;

- Người đoạt giải nhì tại các cuộc thi cấp quốc gia thì được rút ngắn 2/3 thời hạn xét nâng bậc lương;

- Người đoạt giải ba tại các cuộc thi cấp quốc gia, người được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì được rút ngắn không quá 1/2 thời hạn xét nâng bậc lương;

- Người hai năm liền được tặng bằng khen cấp Bộ, chiến sĩ thi đua cấp ngành, lĩnh vực thì được rút ngắn một năm (12 tháng) thời hạn xét nâng bậc lương;

Thời điểm tính hưởng bậc lương mới đối với những người được nâng bậc lương sớm và rút ngắn thời hạn nâng bậc lương thực hiện như sau:

- Những người được nâng bậc lương sớm từ một bậc trở lên thì được hưởng bậc lương mới kể từ ngày có quyết định và được bảo lưu thời gian giữ bậc lương cũ để tính thời gian nâng bậc lương lần tiếp theo;

- Những người được rút ngắn thời hạn nâng bậc lương thì được hưởng bậc lương mới kể từ ngày có quyết định nâng bậc lương sớm và thời gian nâng bậc lương tiếp theo kể từ ngày có quyết định hưởng bậc lương mới.

đ. Trường hợp kéo dài hạn xét nâng bậc lương:

Trong thời gian giữ bậc lương, nếu người lao động bị kỷ luật lao động theo điểm b, Khoản 1, Điều 84 của Bộ luật Lao động thì kéo dài thời hạn xét nâng bậc lương không quá 6 tháng.

e. Công ty phải thành lập Hội đồng nâng bậc lương để tổ chức nâng bậc lương theo kế hoạch. Thành phần Hội đồng gồm có Giám đốc công ty, một số thanh viên do Giám đốc lựa chọn và đại diện của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời.

Hội đồng nâng bậc lương có trách nhiệm công bố kế hoạch nâng bậc lương; tổ chức thi nâng bậc đối với công nhân viên trực tiếp, sản xuất, kinh doanh; xét nâng bậc lương hàng năm đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành phục vụ.

g. Chế độ nâng bậc lương đối với người lao phải được thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể”.

Nếu có điều chi chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm, vui lòng liên lạc lại theo địa chỉ email: [email protected]

Mến chào bạn.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào