Khi nào chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng?
Kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng là gì?
Căn cứ khoản 19 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 định nghĩa về kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được hiểu là việc Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.
Khi nào chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng? (Hình từ Internet)
Khi nào chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 168 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc chấm dứt tình trạng kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng như sau:
Điều 168. Chấm dứt kiểm soát đặc biệt
Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 138 của Luật này;
2. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoàn thành phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt theo quy định tại các mục 2, 3 và 4 Chương này;
3. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt giải thể hoặc sáp nhập, hợp nhất theo quy định tại Mục 5 Chương này, Chương XIII của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
4. Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, việc chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng sẽ diễn ra trong các trường hợp sau:
- Tổ chức tín dụng đã khắc phục được tình trạng dẫn đến việc bị đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ đầy đủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Tổ chức tín dụng hoàn thành các phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, hoặc phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tín dụng được giải thể, sáp nhập, hoặc hợp nhất theo quy định tại Mục 5 Chương 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Chương 13 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, hoặc theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Khi thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 39/2024/TT-NHNN thì quy trình chấm dứt kiểm soát đặc biệt được thực hiện như sau:
(1) Khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 168 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Ban kiểm soát đặc biệt kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoặc kiến nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
(2) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo thẩm quyền.
(3) Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được chấm dứt kiểm soát đặc biệt kể từ thời điểm Quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt có hiệu lực thi hành.
Trường hợp nào quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt?
Theo khoản 1 Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định các trường hợp Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt:
- Tổ chức tín dụng đã được can thiệp sớm nhưng không lập hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;
- Trong quá trình thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng không thể triển khai được kế hoạch đã đề ra;
- Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng vẫn không thể khắc phục được tình trạng yếu kém;
- Xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt, đe dọa đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng;
- Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng giảm xuống dưới 04% trong suốt 06 tháng liên tục;
- Tổ chức tín dụng bị giải thể nhưng không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách xác thực sinh trắc học trên MoMo để tránh bị ngừng giao dịch từ 2025?
- 056 là mã căn cước tỉnh nào trên thẻ Căn cước?
- Lịch vạn niên 2025 - Lịch âm 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025? Tết Âm lịch 2025 rơi vào thứ mấy trong tuần?
- Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 chất thải rắn sinh hoạt được phân thành mấy loại?
- Mẫu biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 từ 01/01/2025?